Vì sao chúng ta có thể sốc phản vệ khi thái hành?
Củ hành, hạt đậu phộng, phấn hoa, viên thuốc có thể trở thành tác nhân khiến chúng ta bị sốc phản vệ. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong.
Nguy cơ tử vong vì sốc phản vệ
Theo bác sĩ Sùng Đức Long, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương, tùy thể trạng, chúng ta có thể bị sốc phản vệ bất cứ lúc nào với nhiều tác nhân khác nhau. Chính vì thế, ngay cả một củ hành hay hạt đậu phộng mà bạn ăn cũng có thể trở thành thủ phạm khiến chúng ta mất mạng.
Đậu phộng, phấn hoa, hải sản... là những tác nhân có thể gây dị ứng, sốc phản vệ. (Ảnh: Getty Images).
Bất kỳ thứ gì gây dị ứng với cơ thể đều có nguy cơ dẫn đến phản vệ. Dị ứng nặng gây tình trạng sốc phản vệ. Theo Mayo Clinic, phản ứng dị ứng xảy ra khi hệ thống miễn dịch của bạn báo động vì tiếp xúc một số chất trong môi trường. Đa phần, chúng là vô hại. Tuy nhiên, một số người có cơ địa nhạy cảm, dễ phản ứng lại các tác nhân từ bên ngoài.
Sốc phản vệ (anaphylactic shock) khiến hệ thống miễn dịch tiết ra hàng loạt chất hóa học, kết quả, huyết áp của chúng ta giảm đột ngột, đường thở thu hẹp, gây tắc thở. Triệu chứng sốc phản vệ có thể xảy ra sau vài giây đến vài phút bạn tiếp xúc thứ mình bị dị ứng. Chỉ sau thời gian ngắn, bệnh nhân không được điều trị sốc phản vệ có nguy cơ tử vong cao.
Các mức độ của người bị phản vệ
Theo Thông tư số 51/2017/TT-BYT về Hướng dẫn phòng, chẩn đoán và xử trí phản vệ của Bộ Y tế, phản vệ được phân thành 4 mức độ.
- Ở cấp độ nhẹ (độ I), bệnh nhân chỉ có các triệu chứng da, tổ chức dưới da và niêm mạc như mề đay, ngứa, phù mạch.
- Bệnh nhân nặng (độ II) có từ 2 biểu hiện ở nhiều cơ quan, gồm mề đay, phù mạch xuất hiện nhanh; khó thở nhanh, nông, tức ngực, khàn tiếng, chảy nước mũi; đau bụng, nôn, tiêu chảy; huyết áp chưa tụt hoặc tăng, nhịp tim nhanh hoặc loạn nhịp.
- Bệnh nhân nguy kịch (độ III) có biểu hiện ở nhiều cơ quan với mức độ nặng hơn, đó là đường thở xuất hiện tiếng rít thanh quản, phù thanh quản; thở nhanh, khò khè, tím tái, rối loạn nhịp thở; rối loạn ý thức (vật vã, hôn mê, co giật, rối loạn cơ tròn); sốc, mạch nhanh nhỏ, tụt huyết áp.
- Bệnh nhân ở độ IV có biểu hiện ngừng hô hấp, ngừng tuần hoàn.
Triệu chứng của phản vệ nhẹ là nổi mề đay, nặng có thể gây khó thở, ngừng tuần hoàn. (Ảnh: iStock).
Theo WebMD, các nguyên nhân phổ biến nhất gây các phản ứng phản vệ là: Thực phẩm (đặc biệt các loạt hạt, động vật có vỏ như hải sản, tôm, tép, cá thu, cá ngừ, xôi gấc, trứng, sữa, nhộng ); phấn hoa, bụi nhà; cao su (thường có trong găng tay, ống tiêm, băng dính dùng một lần); thuốc (gồm cả penicillin, aspirin); côn trùng đốt hoặc cắn (rắn, ong, nhện, bọ cạp)…
Ngoài ra, tiêm phòng vaccine cũng có thể gây sốc phản vệ. Đó là tình trạng mà chúng ta đã chứng kiến ở nhiều quốc gia khi triển khai tiêm vaccine Covid-19. Tuy nhiên, tỷ lệ này rất nhỏ. Theo Healthline, một số trường hợp sốc phản vệ vô căn, không thể xác định nguyên nhân.
Làm gì khi có người bị phản vệ?
Theo Mayo Clinic, sốc phản vệ là tình trạng rất nghiêm trọng, do đó, nó tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm như tổn thương não, suy thận, sốc tim, loạn nhịp tim, đau tim, tử vong, nếu không được điều tị kịp thời. Do đó, việc đưa bệnh nhân đi cấp cứu càng sớm càng tốt là chìa khóa để cứu họ khỏi tình trạng nguy kịch.
Nếu bệnh nhân dị ứng mức độ nhẹ với triệu chứng là các vết mề đay, chúng ta cần rửa sạch vùng da tiếp xúc chất gây phản vệ bằng nước và xà bông. Nếu mề đay nổi toàn thân, gây ngứa, bệnh nhân không nên tắm nước nóng vì dễ kích thích giãn mạch, tăng tiết histamin khiến triệu chứng trầm trọng hơn. Chúng ta cũng cần cởi bỏ quần áo, không mặc đồ bó sát vì có thể khiến kích ứng thêm.
Adrenalin là thuốc thiết yếu khi cấp cứu cho người bị phản vệ, phải được tiêm bắp ngay khi người bệnh phản vệ độ II trở lên. (Ảnh: Freepik).
Lưu ý khi xử trí nạn nhân bị sốc phản vệ do bị côn trùng đốt đó là tuyệt đối không dùng tay bóp ngòi, nọc độc. Bởi nó thể khiến tộc tố lan ra khắp cơ thể. Bệnh nhân không nên uống nước hoặc bất kỳ thứ gì khác vì có nguy cơ gây nôn, sặc vào phổi.
Sau khi sơ cứu tại chỗ, người bệnh cần được nhanh chóng đưa tới bệnh viện cấp cứu. Thông tư số 51/2017/TT-BYT về Hướng dẫn phòng, chẩn đoán và xử trí phản vệ của Bộ Y tế quy định tất cả trường hợp phản vệ phải được phát hiện sớm, xử trí khẩn cấp, kịp thời ngay tại chỗ và theo dõi liên tục ít nhất trong vòng 24 giờ. Thuốc thiết yếu, quan trọng hàng đầu để cứu người bệnh bị phản vệ là Adrenalin, phải được tiêm bắp ngay khi chẩn đoán phản vệ từ độ II trở lên.