Nguồn nước bỗng cạn kiệt, dân làng phát hiện "thủ phạm" nghìn tuổi đáng giá hàng trăm tỷ đồng
Hóa ra, "thủ phạm" khiến nguồn nước của ngôi làng bị cạn kiệt lại vô cùng quý hiếm và trị giá hàng trăm tỷ đồng.
Nguồn nước của một thôn dân ở trấn Trường Than, Hồ Bắc, Trung Quốc được lấy từ hồ nước sát bên cạnh. Thế nhưng, hai ngày trước đột nhiên xảy ra sự cố, cả ngôi làng rơi vào cảnh cạn kiệt nước. Ban đầu, bí thư thôn cho rằng hệ thống cấp nước gặp vấn đề nhưng sau khi kiểm tra hồi lâu thì vấn đề không nằm ở đó.
Người quản lý hệ thống cấp nước của thôn suy nghĩ hồi lâu, ông ta cho rằng hệ thống này vẫn bình thường thì lý do có thể xuất phát từ hồ nước. Ông cùng bí thư thôn và vài người nữa tới tận nơi xem xét. Cuối cùng, họ phát hiện ra khu vực cấp nước của hồ đang bị thứ gì đó chặn lại. Thứ đó dường như rất to và nặng, rất khó để di chuyển nó. Vì thế, họ đã điều động một máy xúc cỡ lớn tới tận nơi.
Sau khi đào bới dưới hồ nước, dân làng tìm thấy một khúc gỗ khổng lồ dài tới 24m. (Ảnh: Kknews).
Sau nửa ngày đào bới, họ đã tìm thấy một khúc gỗ khổng lồ dài tới 24 mét, nặng tới 7 tấn. Chính khúc gỗ này đã chặn nước từ nguồn. Kỳ lạ là bề mặt của khúc gỗ này đen sì, thoạt nhìn trông rất đáng sợ. Dân làng cho rằng, khúc gỗ này đáng lẽ đã phải trôi đi vì nước hồ dâng cao do những trận mưa xối xả cách đây vài tuần.
Hơn nữa, khúc gỗ dù bị ngâm trong nước lâu ngày nhưng không có vẻ gì bị mục nát. Bí thư thôn đã gọi xe tải tới vận chuyển khúc gỗ này tới xưởng gỗ trong thôn. Họ quyết định sẽ xẻ nó ra để tìm hiểu bên trong của khúc gỗ.
Nào ngờ, sau khi bị xẻ làm đôi, khúc gỗ tỏa ra mùi thơm ngào ngạt. Chủ xưởng gỗ thấy vậy hét lên: "Đây chính là kim tơ nam mộc còn quý hơn cả vàng, chúng ta giàu to rồi".
Khúc gỗ dù bị ngâm trong nước lâu ngày nhưng không bị mục nát. (Ảnh: Kknews).
Kim tơ nam mộc là loại gỗ quý đặc biệt với những vân gỗ tựa như những sợi tơ vàng. Loại cây này thường được trồng ở Tứ Xuyên và một số vùng khác thuộc phía nam sông Trường Giang. Kim tơ nam mộc có mùi thơm, vân thẳng và chặt, khó biến hình và nứt, là một nguyên liệu quý dành cho xây dựng và đồ nội thất cao cấp.
Trong lịch sử, nó chuyên được dùng để xây dựng cung điện hoàng gia, chùa và làm các đồ nội thất cao cấp. Thậm chí, vào thời phong kiến cổ đại, chỉ có hoàng tộc, nhà vua mới được sử dụng loại gỗ này. Vì thế nên nó còn được mệnh danh là "gỗ hoàng đế". Nó khác với các loại nam mộc thông thường ở chỗ vân gỗ chiếu dưới ánh nắng hiện lên như những sợi tơ vàng óng ánh, lấp lánh và có mùi hương thanh nhã. Kim tơ nam mộc được phân thành nhiều đẳng cấp thường căn cứ theo tuổi của cây gỗ, tuổi càng cao thì gỗ càng quý.
Hóa ra khúc gỗ đó là kim tơ nam mộc âm trầm có tuổi đời nghìn năm, giá không dưới 300 tỷ đồng. (Ảnh: Kknews)
Cao cấp nhất là Kim tơ nam mộc âm trầm ngàn năm. Loại này là phát sinh biến dị tự nhiên từ hai ngàn năm cho tới hàng vạn năm về trước, do động đất, ngập lụt, dòng lũ cuốn đất đá chôn vùi các sinh vật hay thực vật.
Khúc gỗ mà dân làng đào được chính là gỗ kim tơ nam mộc âm trầm. Vì thế giá trị của nó rất khó để đong đếm. Khúc gỗ này có tuổi đời ít nhất từ 3.000 đến 10.000 năm, ước tính giá của nó không dưới 100 triệu NDT (hơn 300 tỷ đồng), thậm chí là vô giá. Giá trị của loại gỗ này cao ngất ngưởng vì nó có số lượng vô cùng khan hiếm bởi thời gian hình thành gỗ rất lâu và nằm ở những địa hình rất khó khăn để khai thác. Hơn nữa, việc tìm được cây gỗ này còn phụ thuộc vào vận may.