Nữ phi hành gia NASA lập kỷ lục làm việc lâu nhất trên vũ trụ là ai?
Phi hành gia Christina Koch đã trở về Trái Đất và hoàn thành sứ mệnh không gian dài ngày nhất trong lịch sử từng được thực hiện bởi một phụ nữ.
Bắt đầu bay lên không gian vào 14/03/2019 và nhận nhiệm vụ tại Trạm Không gian Quốc tế (ISS) từ đó, nữ phi hành gia Christina Koch của NASA đã hạ cánh an toàn vào 06/02/2020 vừa qua và lập kỷ lục phụ nữ ở vũ trụ lâu nhất với 328 ngày.
Nữ phi hành gia Christina Koch rời khỏi tàu Soyuz sau khi hạ cánh xuống Kazakhstan. Trong tàu còn có phi hành gia Alexander Skvortsov người Nga và Luca Parmitano người Ý. (Ảnh: NASA/Bill Ingalls).
Trong thời gian ở vũ trụ, Koch đã thực hiện nhiều thí nghiệm khoa học nhằm xem phản ứng của chúng khác nhau như thế nào so với khi thực hiện ở Trái Đất. Cùng làm việc với cô còn có nữ phi hành gia Jessica Meir và họ đã thực hiện chuyến đi bộ toàn nữ đầu tiên trong lịch sử vào 18/10/2019 vừa qua.
Christina Koch chia sẻ sau khi ra khỏi tàu đổ bộ: “Ngay bây giờ, tôi đang cảm thấy choáng ngợp bởi sự hạnh phúc”. (Ảnh: Sergei Ilnitsky/AP).
Khi vừa hạ cánh xuống Kazakhstan, Koch đã vui vẻ nở nụ cười và phấn khích nói to: “Sau bao nhiêu trải nghiệm trên vũ trụ, cuối cùng trải nghiệm mong chờ nhất vẫn chính là những cơn gió này thổi vào mặt tôi. Thật tuyệt vời vì đã được trở về với đất mẹ”.
Từ trái qua phải: Nữ phi hành gia Christina Koch (Mỹ), Alexander Skvortsov (Nga) và Luca Parmitano (Italia). Cả 3 phi hành gia vừa trở về Trái Đất vào 06/02/2020 vừa qua. (Ảnh: NASA/Bill Ingalls).
Trong suốt hơn một năm ở ISS, nữ phi hành gia đã bay 5.248 vòng quanh Trái Đất, nhìn thấy 16 lần bình minh và hoàng hôn mỗi ngày cũng như đi được quãng đường 223 triệu km. Trước Koch đã có nữ phi hành gia Peggy Whitson nắm giữa kỷ lục này vào năm 2015.
Phi hành gia Christina Koch và Jessica Meir ở Trạm Không gian Quốc tế. Cả hai đã cùng nhau thực hiện chuyến đi bộ toàn nữ đầu tiên ở ngoài không gian. (Ảnh: NASA).
Xuất thân là một kỹ sư điện ở North Carolina, cô đã có thời gian phát triển nhiều loại thiết bị, máy móc để nghiên cứu khoa học trong điều kiện khắc nghiệt như Nam Cực hay Alaska. Quãng thời gian trên ISS, Koch đã nghiên cứu về việc phát triển tinh thể protein nhằm tìm ra cách sử dụng chúng để chữa Alzheimer và Parkinsons.
Christina Koch bên cạnh thiết bị khoa học được gửi lên từ Trái Đất bởi tàu Dragon của SpaceX. Đây là thiết bị tạo ra các đám mây nguyên tử được làm lạnh đến một phần một tỷ so với độ không tuyệt đối, tức là lạnh hơn rất nhiều so với nhiệt độ trung bình của vũ trụ. Ở mức nhiệt này, các nguyên tử dường như không chuyển động cho phép các nhà khoa học có thể tìm hiểu được đặc tính và hành vi của chúng. (Ảnh: NASA).
Tuy trở thành người phụ nữ làm việc trong vũ trụ lâu nhất, nhưng Koch cho biết mình không quan tâm lắm về vấn đề giới tính và rằng mình chỉ nỗ lực rất nhiều chỉ để được cống hiến. Cô từng chia sẻ trong một buổi nói chuyện: “Tôi hy vọng việc tôi và Jessica Meir cùng nhau làm việc trên ISS sẽ truyền được cảm hứng cho giới trẻ và những cô gái để họ có thể làm được nhiều điều phi thường.
Cô Koch tại mái vòm cửa sổ 7 mặt nhìn về Trái Đất để chụp ảnh. Lúc này, ISS đang bay cao 416km so với mặt đất phía trên Thái Bình Dương. (Ảnh: NASA).
Thực tế cả hai chúng tôi cũng nhận được nhiều nguồn cảm hứng từ thuở ấu thơ đến tận bây giờ, chính những điều đó khiến chúng tôi không ngừng nỗ lực và ôm ấp giấc mơ trở thành phi hành gia của mình, và rồi tôi đã làm được. Luôn có những thứ quan trọng đối với bạn và xứng đáng để bạn nỗ lực giành được nó”.
Christina Koch đang quan sát các mẫu tinh thể protein qua kính hiển vi để thực hiện thí nghiệm khoa học. (Ảnh: NASA).
NASA đã nỗ lực rất nhiều nhằm đẩy mạnh sự đa dạng hóa về giới tính, chủng tộc trong đội ngũ phi hành gia của mình. Trong thế hệ nhà du hành năm 2013 mà chính Christina Koch đã góp mặt, tỷ lệ giới tính đã là 50:50. Thế nhưng, trong lịch sử từ năm 1961 với người đầu tiên bay vào vũ trụ cho đến nay, tổng cộng đã có 560 đàn ông bay vào không gian so với tổng số chưa đến 70 phụ nữ.
Koch đang tiến hành mô phỏng cấu trúc mao mạch để tìm ra cách các chất lỏng trong cơ thể người dịch chuyển, nhằm ứng dụng cho các sứ mệnh thăm dò vũ trụ trong tương lai xa. (Ảnh: NASA).
Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ cho biết đang có kế hoạch đưa người quay lại Mặt Trăng vào năm 2024, cũng như xa hơn sẽ là đưa người ở lại lâu hơn tại những thiên thể bên ngoài Trái Đất. Kế hoạch này cần có sự đa dạng về giới tính, chủng tộc để có thể phát triển bền vững và lâu dài.