Pháp cảnh báo lạm dụng tinh bột nghệ có thể gây độc cho gan
Ngày 29/6, Cơ quan An toàn Thực phẩm Quốc gia Pháp (ANSES) đã đưa ra cảnh báo, mọi người nên thận trọng khi tiêu thụ tinh bột nghệ như một loại thực phẩm chức năng.
Tinh bột nghệ vẫn luôn được ca ngợi là một loại gia vị có nhiều lợi ích cho sức khỏe và càng ngày được nhiều người sử dụng. Tuy nhiên, mới đây, cơ quan y tế Pháp đã cảnh báo loại gia vị này có thể gây độc cho gan, đặc biệt là khi được dùng dưới dạng thực phẩm bổ sung.
"Các thiết bị cảnh giác khác nhau đều đã xác định các tác dụng phụ liên quan đến việc tiêu thụ quá nhiều nghệ hoặc curcumin", Cơ quan ANSES tóm tắt trong một báo cáo. Dựa trên các dữ liệu của cả Pháp và quốc tế, cơ quan này đã đưa ra kết luận: "Các triệu chứng thường xuyên được báo cáo là khó chịu, suy nhược, các triệu chứng tiêu hóa và rối loạn chức năng gan".
Dùng với liều lượng cao có thể gây độc, đặc biệt là đối với gan
Trong số những lợi ích đã được chứng minh, nghệ dường giúp hạn chế các vấn đề viêm nhiễm liên quan đến một số bệnh mạn tính như đái tháo đường. Các chất có trong củ nghệ đã được "tung hô" là có khả năng chống lại bệnh ung thư. Tuy nhiên hiệu quả thực sự của nó phần lớn vẫn chưa được chứng minh bằng các nghiên cứu quy mô lớn ở người.
Nghiên cứu mới đây nhất đã cho thấy, dùng với liều lượng cao, nghệ - thông qua phân tử hoạt động chính của nó, curcumin - có thể gây độc, đặc biệt là đối với gan. "Các nghiên cứu cho thấy rằng liều lượng cao của nghệ hoặc curcumin gây độc cho gan ở động vật", ANSES nhấn mạnh.
ANSES không chỉ dựa trên những nghiên cứu này mà còn dựa trên những quan sát thực tế. Trong thời gian hơn 10 năm (từ năm 2009 đến năm 2021), ở Pháp có khoảng 10 trường hợp mắc bệnh viêm gan được chỉ ra có nguyên nhân là do tiêu thụ quá nhiều thực phẩm chức năng chiết xuất từ nghệ.
Các nhà nghiên cứu thừa nhận rằng liều lượng được coi là độc hại là rất cao nhưng chủ yếu có trong các sản phẩm thực phẩm chức năng có chiết xuất từ nghệ và nhiều sản phẩm trong số này được thiết kế theo cách mà chất curcumin được cơ thể đồng hóa theo cách lớn hơn nhiều. ANSES nhấn mạnh rằng khả năng đồng hóa này "lớn hơn gấp 4 đến 185 lần so với curcumin có trong củ nghệ tươi". Điều đó lý giải tại sao hầu như không có rủi ro khi tiêu thụ nghệ ở dạng tự nhiên trong bữa ăn.
Do đó, cơ quan này khuyến cáo mọi người cần hết sức thận trọng khi tiêu thụ các sản phẩm từ nghệ đã qua xử lý. Ngay cả khi các nghiên cứu trước đây đã kết luận rằng những chất bổ sung này không gây nguy hiểm, ANSES bày tỏ sự hoài nghi rằng những nghiên cứu này có quy mô nhỏ và thường được tài trợ bởi chính các nhà sản xuất.
ANSES đặc biệt khuyến cáo không nên tiêu thụ các chất bổ sung này cho bệnh nhân đang điều trị ung thư hoặc dùng thuốc chống đông máu, nhấn mạnh nguy cơ tương tác có hại với curcumin.