Tại sao đầu gối thường đau nhiều hơn trong mùa lạnh?
Giảm tuần hoàn máu, giãn nở các mô, ít vận động, tăng cân… là những yếu tố khiến đầu gối đau nhiều hơn khi thời tiết thay đổi.
TS.BS Tăng Hà Nam Anh, Giám đốc Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, phân tích, thời tiết lạnh có thể kích thích cơn đau khớp gối ở tất cả đối tượng. Tuy nhiên, ở những người lớn tuổi, người có bệnh nền viêm khớp gối, thoái hóa khớp gối, gout hoặc chấn thương đầu gối trước đó, cảm giác đau khi trời chuyển lạnh thường biểu hiện rõ ràng hơn.
Thời tiết lạnh khiến đầu gối đau nhức dữ dội hơn. (Ảnh: Freepik)
Trước hết, thời tiết lạnh khiến các mạch máu quanh khớp gối co lại, từ đó giảm lưu lượng máu đến đầu gối. Màng hoạt dịch và xương dưới sụn khớp gối không nhận đủ máu nuôi dưỡng sẽ bị kích thích, khởi phát cơn đau.
Trời lạnh kéo theo áp suất khí quyển giảm cũng làm cho các mô, chất lỏng và khí quanh khớp gối giãn nở, đè nén lên dây thần kinh, gây ra cảm giác đau nhức và khó chịu. Hơn nữa, để thích nghi với thời tiết lạnh, cơ thể cố gắng điều chỉnh nhiệt độ bên trong bằng cách co cơ. Hiện tượng co cơ làm giảm lượng oxy cung cấp cho các bó cơ quanh khớp gối, khiến cơ bắp căng cứng và thiếu linh hoạt, gia tăng cảm giác đau ở đầu gối.
Đặc biệt, trong những tháng mùa đông lạnh giá, hầu hết mọi người có xu hướng ít vận động, kể cả hoạt động vui chơi lẫn tập luyện thể chất. Lười vận động khiến sụn khớp không hấp thụ đủ dưỡng chất, trở nên kém độ đàn hồi và dẻo dai, gia tăng mức độ đau đầu gối khi cử động. Chưa kể, lười vận động cũng là lý do khiến nhiều người bị tăng cân mất kiểm soát. Một số khảo sát cho thấy, mọi người có thể tăng trung bình từ 2,3 - 3,2kg ở những tháng mùa đông. Trong khi đó, với mỗi gần 0,5kg trọng lượng tăng thêm, áp lực lên đầu gối sẽ tăng khoảng 1.8 kg. Áp lực từ cân nặng dư thừa cũng là nguyên nhân khiến đầu gối dễ bị đau nhức vào mùa lạnh.
Ở những người từng mắc viêm khớp hoặc phẫu thuật khớp gối, thời tiết lạnh kèm độ ẩm cao có thể khiến các dây thần kinh quanh đầu gối nhạy cảm hơn bình thường. Lúc này, chỉ cần một tác động ngoại lực nhỏ cũng có thể làm cho nhiều người cảm thấy đau khớp gối dữ dội hơn ngày nắng ấm.
Để giảm cơn đau nhức đầu gối khi thời tiết chuyển lạnh, bác sĩ Nam Anh lưu ý người bệnh chú ý giữ ấm cơ thể toàn thân để thúc đẩy tuần hoàn máu đến các khớp. Với đầu gối, khi đi ra đường hay tập thể dục, có thể sử dụng đai hoặc băng quấn đầu gối để vừa tăng độ ấm, vừa giảm tác động từ bên ngoài đến khớp gối.
Khi bị đau đầu gối, nhiều người càng có tâm lý "lười" vận động vì cho rằng càng vận động càng đau. Tuy nhiên, nếu nghỉ ngơi hoàn toàn, sụn khớp sẽ kém hấp thu dưỡng chất để tái tạo, dần trở nên khô cứng, tăng thêm nguy cơ đau khớp. Do đó, vào những ngày nhiệt độ giảm sâu, thay vì chạy bộ hoặc đạp xe ngoài trời, mọi người có thể luyện tập trong nhà với các bộ môn nhẹ nhàng như yoga, đi bộ trên máy...
Duy trì thói quen tập luyện giúp cải thiện và ngăn chặn đau đầu gối vào mùa đông. (Ảnh: Freepik)
Tắm nước ấm và xoa bóp đầu gối bằng cao nóng cũng góp phần xoa dịu cơn đau khớp gối hiệu quả khi trời lạnh. Đồng thời, mỗi người cũng cần chú ý uống đủ nước để đảm bảo độ ẩm cho khớp, giúp duy trì tính linh hoạt và giảm hao mòn sụn khớp, xương dưới sụn. Theo các nghiên cứu, lượng nước lý tưởng mỗi ngày có thể dựa trên tiêu chuẩn 40ml/kg cân nặng, ưu tiên uống nước ấm trong mùa đông..
Trường hợp đã áp dụng những biện pháp kể trên nhưng cơn đau khớp gối không thuyên giảm, người bệnh nên thăm khám tại các chuyên khoa để xác định đúng nguyên nhân và có phác đồ điều trị phù hợp, bác sĩ Nam Anh khuyến cáo.