Trung Quốc thừa nhận không thể hồi sinh robot sao Hỏa
Robot sao Hỏa Chúc Dung không thể thức dậy sau kỳ ngủ đông do các tấm pin quang năng bị bao phủ bởi lớp bụi dày.
Robot Chúc Dung đã hoạt động 358 ngày trên sao Hỏa. (Ảnh: CNSA).
Sau nhiều tháng im lặng, nhà chức trách của chính phủ Trung Quốc tiết lộ số phận của robot thám hiểm sao Hỏa ngừng di chuyển cách đây gần một năm, Live Science hôm 27/4 đưa tin. Chúc Dung, robot sao Hỏa đầu tiên của Trung Quốc, nhiều khả năng không thể sản xuất đủ điện để thức dậy như dự kiến sau kỳ ngủ đông do cát bụi phủ kín pin quang năng, Zhang Rongqiao, trưởng thiết kế chương trình khám phá sao Hỏa, chia sẻ với kênh CCTV.
Từ lâu tình huống này được coi như nguyên nhân chắc chắn nhất khiến Zhurong không thể hoạt động trở lại từ khi ngủ đông vào tháng 5/2022. Robot tự hành được lên lịch thức dậy vào tháng 12/2022 khi mùa đông ở bắc bán cầu của sao Hỏa kết thúc và ánh Mặt Trời trở nên dồi dào hơn, nhưng robot vẫn im lặng. Hồi tháng 3/2023, ảnh chụp của NASA cho thấy robot Chúc ở cùng vị trí nơi nó ngủ đông trước đó gần một năm. Các nhà nghiên cứu hy vọng nguyên nhân nằm ở mùa đông lạnh khác thường và robot tự hành có thể thức dậy khi nhiệt độ tăng lên. Nhưng chia sẻ hôm 25/4 của Zhang chỉ ra thủ phạm là bụi sao Hỏa.
Robot Chúc Dung hoạt động lâu hơn nhiệm vụ ban đầu 3 tháng, khám phá đồng bằng rộng lớn tên Utopia Planitia trên hành tinh đỏ trong 358 ngày trước khi bất động. Trong thời gian đó, robot đã di chuyển 1.921 m. Chúc Dung hạ cánh trên sao Hỏa vào năm 2021 với mục tiêu nghiên cứu đất đá, từ trường và thời tiết của hành tinh này.
Theo mô tả năm 2021 trên tạp chí Innovation, robot mang 6 thiết bị gồm radar dò gần mặt đất, máy dò thành phần mặt đất, máy dò từ trường trên bề mặt, camera đa phổ, trạm khí tượng và camera định hướng địa hình sao Hỏa. Trong suốt thời gian hoạt động, Chúc Dung chụp một bức ảnh tự sướng cùng nhiều ảnh chụp bề mặt. Nó cũng ghi lại tiếng gió và tiến hành thí nghiệm truyền thông tin giữa Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) và Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA).