Vì sao chúng ta thật sự cần chất béo trong chế độ ăn hàng ngày?
Các axit béo đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các chức năng cơ bản của cơ thể. Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn không bổ sung đủ lượng chất béo cần thiết?
Đến nay, nhận định về chất béo vẫn còn nhiều tranh cãi.
Trong nhiều thập kỷ, chúng ta luôn được các tổ chức về sức khỏe lẫn các công ty thực phẩm tuyên truyền rằng chất béo là kẻ thù, là thế lực "hắc ám" đằng sau căn bệnh béo phì và tim mạch. Các chuyên gia cho rằng chất béo có lượng calo lớn và nếu muốn có một cơ thể gọn gàng hơn thì đơn giản là không ăn những thực phẩm nhiều calo. Vào đầu thập niên 90, người Mỹ tiêu thụ một lượng lớn đồ ăn nhẹ ít chất béo, nhiều đường và carbonhydrate tinh chế.
Sau khi có nhiều nghiên cứu chuyên sâu hơn được thực hiện, giả thuyết trên được chứng minh là hoàn toàn sai. Trên thực tế, các nghiên cứu cho thấy thường xuyên hấp thụ một lượng chất chéo lành mạnh rất quan trọng với sức khỏe.
"Cuối cùng, chúng ta bắt đầu nhận ra một số loại chất béo thật sự có lợi cho quá trình giảm cân, cải thiện sức khỏe tim mạch và cân bằng hormone", chuyên gia dinh dưỡng Tamar Samuels trả lời tờ HuffPost.
Chúng ta cần axit béo thiết yếu để hỗ trợ cho các chức năng cơ bản của cơ thể.
Tất nhiên, còn nhiều câu chuyện đằng sau chất béo hơn thế. Dưới đây là một số thông tin quan trọng nhất bạn cần biết về chất béo, bao gồm cả việc vì sao nó lại quan trọng đối với một chế độ ăn kiêng lành mạnh.
Vì sao chúng ta cần chất béo?
"Chất béo là một nguồn năng lượng sơ cấp và chúng ta phải tiêu thụ các axit béo thiết yếu để hỗ trợ cho các chức năng cơ bản của cơ thể", Samuels cho biết.
Thường xuyên hấp thụ các loại chất béo tốt cho sức khỏe liên quan đến vô số các lợi ích cho sức khỏe mỗi ngày, gồm cân bằng hormone và chống viêm.
Samuels giải thích rằng "Chất béo bao phủ xung quanh nội tạng của chúng ta và đóng vai trò như thành tế bào vậy. Nó cũng hỗ trợ hệ miễn dịch, giúp điều hòa nhiệt độ cơ thể, duy trì làn da, tóc và móng tay khỏe mạnh, đồng thời giúp chúng ta hấp thụ các vitamin cần thiết hòa tan trong chất béo như vitamin A, D, E và K. Các chất béo khác còn đóng vai trò như những viên gạch giúp tạo ra hormone".
Hấp thụ chất béo có lợi cho sức khỏe cũng liên quan đến những lợi ích lâu dài như giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Với quá trình giảm cân, nghiên cứu cho thấy chế độ ăn kiêng low-carb có liên quan với việc giảm cân và duy trì cân nặng. Điều này có nghĩa là bạn nên ăn một số chất béo nếu muốn giảm cân.
Will Cole, chuyên gia sức khỏe y tế và là tác giả cuốn sách Ketotarian, cũng cho biết rằng hấp thụ chất béo cũng rất quan trọng trong việc duy trì lượng đường huyết. Nói cách khác, chất béo có thể giúp bạn bớt "nôn nao".
"Mặc dù cơ thể chúng ta có thể sử dụng glucose làm năng lượng, nhưng cơ thể sẽ đốt cháy nó nhanh chóng khiến chỉ số đường huyết của chúng ta như một chuyến tàu lượn siêu tốc – cơ thể liên tục ‘nôn nao' và tìm cách khắc phục khi lượng đường huyết mất kiểm soát và dẫn đến vố số vấn đề khác về trao đổi chất cũng như vấn đề về sức khỏe", Cole giải thích.
Hơn nữa, chất béo đóng vai trò quan trọng trong việc tối ưu chức năng não. "60% bộ não của chúng ta là chất béo và chúng ta đều bắt đầu sự sống của mình bằng chất béo dưới dạng sữa mẹ để cung cấp năng lượng và phát triển", Cole cho biết. "Chính vì vậy, phương châm chính của phương pháp ăn kiêng ketogenic là đốt chất béo thay vì đốt đường, nó đã được chứng minh là giúp cải thiện sức khỏe não bộ".
Mỗi người chỉ nên hấp thụ 20 đến 35% lượng calo dưới dạng chất béo.
Bạn nên tiêu thụ bao nhiêu chất béo mỗi ngày?
Có một số chế độ ăn kiêng ủng hộ việc sử dụng nhiều chất béo (như keto), khuyến cáo từ cơ quan y tế lại cho rằng mỗi người chỉ nên hấp thụ 20 đến 35% lượng calo dưới dạng chất béo.
Vì vậy, nếu bạn đang sử dụng chế độ ăn 2.000 calo/ngày, thì lượng chất béo mỗi ngày bạn có thể hấp thụ là 400-700 calo/ngày, tương đương 44-78g chất béo, số lượng còn tùy thuộc vào cân nặng và mức độ hoạt động của bạn. Với chất béo bão hòa, lượng chất béo bão hòa tối đa bạn hấp thụ chỉ nên ở mức 10%. Vì thế, bạn cần phải chú ý đến loại chất béo mình đang ăn là gì.
Tuy nhiên, theo giải thích của Cole thì lượng chất béo trong bữa ăn rất khác nhau giữa người với người. "Mức nhu cầu dựa trên tuổi tác, cân nặng, chiều cao, giới tính, mức độ hoạt động và cả tình trạng sức khỏe", anh nói. "Nói chung, tập trung vào việc thêm một số loại chất béo tốt cho sức khỏe vào mỗi bữa ăn và tiếp tục đến khi bạn thấy no với bữa ăn là một khởi đầu tốt".
"Chất béo có lợi" và "chất béo có hại" khác nhau như thế nào?
Ngoài việc chú ý đến loại chất béo bạn đang ăn, một điểm quan trọng khác là không phải tất cả các loại chất béo đều được tạo ra giống nhau. Một vài ví dụ về chất béo không tốt cho sức khỏe gồm một số loại thịt (lợn, mỡ bò), bơ sữa và bơ thực vật, dầu thực vật như dầu cải, dầu hồng hoa… Bạn không cần phải loại bỏ hoàn toàn chúng khỏi bữa ăn, bạn chỉ không nên ăn những loại chất béo trên quá thường xuyên.
Giờ thì đến tin tốt đây, có hàng tấn các loại thực phẩm chứa chất béo thật sự có lợi cho sức khỏe. Chúng thường thuộc nhóm chất béo không bão hòa đơn và không bão hòa đa như axit béo omega-3, omega-6 có trong các loại thực phẩm như cá hồi, quả bơ, dầu ô liu, trứng và các loại hạt.
Bây giờ, bạn đã biết chất béo có lợi như thế nào cho sức khỏe của mình. Vậy thì còn chần chừ gì nữa mà không lựa vài quả bơ cho bữa tối nhỉ. Bạn sẽ cần đến chúng đấy!