Vợ bị ung thư vú có thể ảnh hưởng sức khỏe chồng
Một nghiên cứu mới cho thấy sự căng thẳng trong quá trình chăm sóc người vợ bị ung thư vú có thể làm tổn hại sức khỏe của người chồng và tình trạng này có thể kéo dài nhiều năm sau khi người vợ kết thúc điều trị.
>>> Phát hiện mới về bệnh ung thư vú âm tính cấp độ 3
Nghiên cứu của Đại học bang Ohio đối với 32 người đàn ông đã phát hiện rằng những người có các mức độ căng thẳng cao nhất liên quan đến bệnh ung thư vú của người vợ có nhiều khả năng xuất hiện các hội chứng thể về chất nhất, như đau đầu hay đau ổ bụng cũng như phản ứng miễn dịch yếu hơn.
Độ tuổi trung bình của những người đàn ông trong nghiên cứu là 58 và họ đã kết hôn được bình quân 26 năm.
“Cảm giác tội lỗi, trầm cảm và sợ mất mát, tất cả những yếu tố này đều gây ra căng thẳng. Và chúng không chỉ kéo dài vài tuần mà như một chứng bệnh kinh niên kéo dài nhiều năm", đồng tác giả của nghiên cứu, ông Kristen Carpenter nói trong một thông cáo báo chí ngày 23/4.
Ngoài ra, tác giả nghiên cứu, phó giáo sư Sharla Wells-Di Gregorio chuyên ngành tâm lý và tâm thần học khẳng định: “Những người chăm sóc bệnh nhân được coi là các bệnh nhân vô hình vì rất ít người hỏi han xem họ đang làm như thế nào. Những người đàn ông này bị trầm cảm nặng và mắc những căn bệnh về thể chất, nhưng họ thường không tìm cách chữa trị vì tập trung vào bệnh tình của người vợ".
Kết quả của nghiên cứu, được đăng trên tạp chí Brain, Behavior and Immunity, gợi ý các bác sỹ chữa trị cho những bệnh nhân mắc ung thư có thể giúp bệnh nhân của họ bằng việc chú ý đến sức khỏe của cả người chăm sóc bệnh nhân.
Điều này có thể bao gồm việc kiểm tra các hội chứng căng thẳng của người chăm sóc bệnh nhân và khuyến khích họ tham gia các hoạt động kiểm soát căng thẳng, thư giãn hoặc các liệu pháp tự chăm sóc bản thân khác.