"Xuyên không" 13 tỉ năm, vật thể lạ tiết lộ cách vũ trụ bắt đầu
Kính viễn vọng không gian James Webb đã chụp được loại vật thể chưa từng thấy, là "liên kết bị thiếu" trong lịch sử vũ trụ.
Theo nhóm nghiên cứu từ Đại học Oxford (Anh) và Đại học Chicago (Mỹ), vật thể JADES-GS+53.12175-27.79763 mà kính viễn vọng không gian mạnh nhất thế giới ghi nhận được là một thiên hà, nhưng không giống như bất kỳ loại thiên hà nào từng được biết đến.
Vật thể lạ lùng mà James Webb ghi nhận là một thiên hà hoàn toàn khác các thiên hà đã biết - (Ảnh: NASA/ESA/CSA).
TS Alex Cameron từ Đại học Oxford, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết ý nghĩ đầu tiên của ông khi nhìn vào quang phổ của thiên hà nói trên là "thật kỳ lạ".
Theo ông, vật thể cổ đại này đại diện cho những hiện tượng hoàn toàn mới trong vũ trụ sơ khai, có thể giúp chúng ta biết được vũ trụ đã bắt đầu như thế nào.
Vì ánh sáng từ vật thể xa xôi đó đã mất gần 13 tỉ năm để đi đến kính viễn vọng của người Trái Đất nên hình ảnh mà chúng ta đang thấy về nó cũng là hình ảnh của quá khứ gần 13 tỉ năm trước.
Theo Sci-News, trong vũ trụ sơ khai, người ta đã tính toán ra rằng các ngôi sao nóng, khối lượng lớn điển hình có nhiệt độ dao động từ 40.000 đến 50.000 độ C, tức nóng hơn Mặt trời của chúng ta gần 10 lần.
Trong thiên hà cổ đại vừa được ghi nhận, các ngôi sao thậm chí đạt được mức nhiệt lên tới 80.000 độ C.
Các nhà nghiên cứu nghi ngờ thiên hà này đang trong giai đoạn hình thành sao mạnh mẽ và ngắn ngủi, bên trong một đám mây khí dày đặc đang liên tục sinh ra những ngôi sao "quái vật".
Đám mây khí này đang bị rất nhiều photon ánh sáng từ các ngôi sao chiếu vào khiến nó trở nên sáng rực rỡ.
Các ngôi sao này không thuộc nhóm sao Quần thể III - tức những ngôi sao thế hệ đầu tiên của vũ trụ - vì tinh vân mà chúng để lại sau khi chết có thành phần hóa học khá phức tạp.
Tuy vậy, chúng cũng không phải bất kỳ loại sao cổ đại nào đã biết.
Vì thế, các nhà khoa học tin rằng chúng ta đang nhìn thẳng vào các "liên kết còn thiếu", tức một thế hệ sao nằm giữa các ngôi sao nguyên thủy và lớp sao thế hệ thứ 2 mà chúng ta từng suy đoán trước đây.
Điều này cũng giúp chúng ta hiểu cách các thiên hà chuyển đổi từ một tập hợp các ngôi sao nguyên thủy cực đoan và đoản mệnh sang loại thiên hà mà chúng ta vẫn thường thấy.
Nói cách khác, vật thể lạ lùng mà James Webb ghi nhận chính là một giai đoạn tiến hóa chưa từng được biết đến của thế giới các thiên hà.
Nghiên cứu mới vừa được công bố trên tạp chí khoa học Monthly Notices of the Royal Astronomical Society.

Lần đầu tiên, ngành thiên văn học phát hiện ra một hành tinh có nửa bán cầu chìm trong bóng tối vĩnh cửu
Thử tưởng tượng trường hợp chuyện này xảy ra với Trái Đất, thì người Mỹ sẽ phải tới Việt Nam chỉ để ngắm được Mặt Trời.

11 vụ núi lửa phun trào kinh hoàng nhất trong lịch sử
Tambora, Krakatoa,Yellowstone... là những cái tên rất nổi bật trong số 11 đợt núi lửa phun trào dữ dội nhất lịch sử này.

Vệ tinh của Nga có thể chụp ảnh Trái đất với độ phân giải lên tới nửa mét
Vệ tinh radar Kondor-FKA-M thế hệ mới của Nga sẽ có khả năng chụp ảnh bề mặt Trái Đất với độ phân giải cao tới 0,5 mét.

Nếu Mặt trời đột ngột biến mất, chuyện gì sẽ xảy ra? Khoa học vào cuộc, kết quả bất ngờ!
Nếu không có Mặt trời giữ Trái ddất trên quỹ đạo, hành tinh của chúng ta có thể sẽ bắt đầu trôi vào không gian. Trong khi đó nhân loại phải cố gắng sống sót một cách tuyệt vọng.

Những điều bạn chưa biết về thiên thạch
Thiên thạch là gì? Một câu hỏi nghe rất quen thuộc, tưởng chừng dễ ấy thế mà nó đã và đang đánh đố không ít người.

Kính viễn vọng của Trung Quốc phát hiện 2 tiểu hành tinh mới
Kính viễn vọng Khảo sát trường rộng (WFST) của Trung Quốc có khả năng khảo sát toàn bộ bầu trời từ Bắc bán cầu đã phát hiện 2 tiểu hành tinh hoạt động gần Trái đất.
